Thế tục hóa tôn giáo đã, đang và sẽ còn là xu hướng phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc nghiên cứu và tuyên truyền về bản chất, nguyên nhân, sự tác động và những vấn đề đặt ra hiện nay của xu hướng này đối với sự phát triển của nhân loại nói chung, đối với chính sách và luật pháp của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo nói riêng đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Đây là một vấn đề lớn, bài viết này chỉ tập trung làm rõ một số vấn đề đặt ra với công tác tôn giáo ở nước ta và nêu một số giải pháp cấp bách hiện nay.
Trước hết, cần có nhận thức cơ bản về mối quan hệ giữa thế tục hóa và thần thánh hóa trong tôn giáo. Ngay từ thời cổ đại, các nhà vô thần chủ nghĩa cả ở phương Tây lẫn phương Đông đã phát hiện ra tính biện chứng trong mối quan hệ khách quan và phổ biến giữa trần thế và thần thánh trong tôn giáo. Kxênôphan (570- 478 tr. CN) - nhà triết học duy vật cổ đại đã quan niệm rằng, thần thánh là do con người đặt ra, người thế nào thì thần thế ấy. Ở phương Đông, thuyết Âm – Dương đã thịnh hành từ thời cổ đại. Dân gian Việt Nam thường có câu: Trần sao âm vậy; hoặc tín ngưỡng phồn thực đã ra đời từ thời tiền sử. Tất cả đều manh nha thấy được mối quan hệ của cái trần thế với cái siêu trần thế (cái siêu nhiên). Mặc dù chủ nghĩa vô thần các thời đại tiếp theo (Trung đại, Cận đại) đều góp phần làm rõ hơn mối quan hệ đó, nhưng tất cả, trước khi chủ nghĩa duy vật biện chứng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác ra đời, đều chưa chứng minh được một cách khoa học về mối quan hệ biện chứng đó.*
Nhờ xây dựng và sử dụng phương pháp luận của phép biện chứng duy vật mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã, lần đầu tiên, chứng minh bản chất mối quan hệ đó. Ngay trong Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen - Lời nói đầu được viết vào năm 1844, C.Mác đã phát hiện ra rằng, “con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người” và khẳng định, tôn giáo chính là “thế giới quan lộn ngược” mà trong cái thế giới lộn ngược ấy thì “tôn giáo là lý luận chung của thế giới ấy, là cương yếu bách khoa của nó, là lôgíc dưới hình thức phổ cập của nó, là vấn đề danh dự duy linh luận của nó”(1). Từ đó, ông đi đến một sự khái quát sâu sắc về bản chất của tôn giáo và cũng là bản chất của mối quan hệ giữa cái trần thế và siêu trần thế của tôn giáo. Đó là: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”(2). Ở đây, C. Mác đã chỉ ra mối quan hệ tất yếu và bản chất mối quan hệ giữa cái trần thế với cái siêu trần thế mà tôn giáo đã nêu ra – giữa những cái mà ông gọi là “sự nghèo nàn của tôn giáo” với “biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực và sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy”; “tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức” với “trái tim của thế giới không có trái tim”; “tinh thần” với “trật tự không có tinh thần”, để đi đến kết luận: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Có thể nói, đây chính là bản chất của mối quan hệ giữa cái trần thế (cái thế tục) với cái siêu trần thế (thần thánh), là sự thống nhất và đấu tranh để chuyển hóa lẫn nhau giữa cái siêu trần thế và cái trần thế trong suốt tiến trình lịch sử hình thành, phát triển và tiêu vong của tôn giáo. (1)
Theo lôgíc của C.Mác đã được trình bày ở trên, thì cùng với kết quả đấu tranh, phản kháng của tôn giáo (giáo dân và giáo sĩ) đối với những hạn chế của hiện thực (của trần thế) và sự ra đời kế tiếp nhau của những chế độ xã hội (Công xã nguyên thủy - Chiếm hữu nô lệ - Phong kiến - Tư bản chủ nghĩa - Cộng sản chủ nghĩa) mà trong đó, hiện thực ngày càng được phong phú, “trái tim của thế giới” ngày càng được hình thành rõ nét, trật tự của thế giới ngày càng có tinh thần – tức là con người ngày càng được giải phóng khỏi các sức mạnh thống trị của tự nhiên và của xã hội - thì khi đó, mỗi quá trình ra đời một chế độ xã hội mới đều là sự hoàn tất của một chu kỳ chuyển hóa. Trong đó, cái thần thánh (kết quả của sự chuyển hóa của cái trần thế) đã quay trở về cái hiện thực (cái trần thế - cái đã chuyển hóa thành bản thân mình) nhưng ở trình độ cao hơn để rồi lại bắt đầu một vòng xoáy mới của sự chuyển hóa cho đến khi không một đời sống trần thế nào được thần thánh hóa thành tôn giáo thì tôn giáo tiêu vong và những vòng xoáy mới về chất (không phải của tôn giáo) của mối quan hệ tồn tại và ý thức lại tiếp tục trên con đường chuyển hóa biện chứng giữa hiện thực và nhận thức của nhân loại.
Như vậy là, cùng với quá trình phát triển của lịch sử nhân loại thì xu hướng thần thánh hóa trong tôn giáo tất yếu sẽ ngày càng giảm đi và xu hướng thế tục hóa ngày càng tăng lên. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong xã hội có giai cấp, tốc độ, quy mô và tính triệt để của xu hướng này là do quan hệ giai cấp quy định, mà quan hệ giai cấp này lại được hình thành trên nền tảng của những quan hệ sản xuất nhất định.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chứng minh rằng, chỉ có thắng lợi của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội (xã hội được phát triển trên nền tảng của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa – quan hệ sản xuất lấy chế độ sở hữu xã hội làm nền tảng) và do đó, áp bức, bóc lột bị xóa bỏ, con người ngày càng được phát triển toàn diện, tiêu cực xã hội ngày càng được khắc phục triệt để, văn hóa và giáo dục ngày càng tiến bộ và hiện đại, khoa học và công nghệ phát triển ngày một nhanh chóng,... thì quá trình chuyển hóa lẫn nhau giữa xu hướng thế tục hóa (trần thế hóa) với xu hướng thần thánh hóa (siêu nhiên hóa) mới có thể đi đến triệt để. Đó cũng là biện chứng của xu hướng thế tục hóa của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội tất yếu sẽ đẩy nhanh hơn quá trình vận động của tôn giáo: Cái thần thánh hóa sẽ mất dần đi và cái thế tục hóa sẽ ngày càng tăng lên. Cuối cùng, khi chủ nghĩa cộng sản đã xây được “thiên đàng” ngay trên trần thế để thực hiện nguyên tắc “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” thì tôn giáo sẽ chỉ còn là những giá trị văn hóa tiến bộ trong tổng hòa các giá trị văn hóa cao đẹp của nhân loại. Đúng như V.I.Lênin đã viết trong Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, rằng: “Giai cấp vô sản hiện đại đứng về phía chủ nghĩa xã hội, là chủ nghĩa đưa khoa học vào cuộc đấu tranh chống các đám mây mù tôn giáo và làm cho công nhân khỏi tin vào một cuộc đời ở thế giới bên kia, bằng cách đoàn kết họ lại vì cuộc đấu tranh thực sự nhằm giành lấy một cuộc đời tốt đẹp hơn trên trần thế”; và, đối với giai cấp vô sản, thì “sự thống nhất của cuộc đấu tranh thật sự cách mạng đó... để sáng tạo nên một cảnh cực lạc trên trái đất, là quan trọng hơn sự thống nhất ý kiến... về cảnh cực lạc trên thiên đường”(3).
Nhân loại đang chứng kiến sự đa dạng và phức tạp của xu hướng thế tục hóa tôn giáo hiện nay. Hai phương diện chủ yếu của xu hướng thế tục hóa tôn giáo đang diễn ra: Một là, thế tục hóa tôn giáo tích cực (duy vật hóa một số quy định trong giáo luật cho gần gũi với trần thế mà hiện nay, ở Việt Nam, chúng ta đã duy vật hóa một số tín ngưỡng dân gian, như tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, thờ cúng các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước); hai là, thế tục hóa tôn giáo tiêu cực (thế tục hóa của các tôn giáo cực đoan). Xu hướng thế tục hóa tôn giáo ở thế giới và Việt Nam hiện nay ngày càng diễn ra nhanh chóng với nội dung phong phú, với những biểu hiện đa dạng và phức tạp.
Có thể nêu ra những biểu hiện chính của xu hướng thế tục hóa tôn giáo ở thế giới và Việt Nam hiện nay như sau:
Một là, tính siêu nhiên, huyền bí của tôn giáo bị giảm dần. Xã hội ngày nay không còn quan trọng hóa cái “thiêng”, hoặc giải thích cái “thiêng” bằng những biểu hiện cụ thể của cuộc sống đời thường, dễ hiểu, dễ thực hiện và giảm thiểu huyền bí hoặc thần thoại; không còn ngăn cách đền, chùa, tu viện bằng những bức tường thành rêu phong cổ kính hay bằng những cánh tay vô hình giữa đấng sáng thế với chúng sinh. Tôn giáo tâm linh bị biến thành một thứ hàng hóa vật chất nhằm thỏa mãn nhu cầu tôn giáo, tâm linh một cách thực dụng của con người.
Hai là, hầu hết các tôn giáo đều tập trung vào những nhu cầu trần thế hàng ngày của giáo dân và giáo hội; các tôn giáo bãi bỏ dần những quy định ngặt nghèo của giáo hội nhằm tạo điều kiện cho giáo dân thỏa mãn được cả phần đời và phần đạo theo phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”. Nhiều giáo sĩ, tu sĩ khi ra đường không thích mặc trang phục đặc trưng, và nếu có không mặc thì cũng không bị lên án hay chỉ trích.
Ba là, giới tu hành trẻ ở châu Âu, nhất là ở Pháp, bắt đầu có phong trào phản kháng lại giáo hội bất chấp cả uy quyền và quy tắc của nó, như đòi xét lại và sửa đổi quy chế về đời sống của các linh mục, đòi được dấn thân vào hoạt động chính trị và các nghiệp đoàn, đòi được làm ăn sinh sống như những người bình thường khác mà không cần xin phép, được tự do sống độc thân hoặc kết bạn tùy ý.
Như vậy là, tôn giáo ngày nay chủ yếu mang tính nhập thế, dù người đã theo tôn giáo nhưng vẫn quan tâm đến nhân tình thế thái và cuộc sống của cộng đồng. Ngày nay, trong quan hệ giữa đạo và đời không còn tính chất phân ly. Tôn giáo đang tích cực xâm nhập vào thế giới trần tục, trực diện đối mặt với cuộc sống con người, cuộc sống của xã hội văn minh; thậm chí, tôn giáo còn khai thác cả các yếu tố nhạy cảm nhất đối với cuộc sống của người theo đạo. Tôn giáo ngày nay không chối bỏ những yếu tố gắn liền với sự tồn tại của xã hội và đời sống hiện thực. Bên cạnh đó, trong một chừng mực nhất định, tôn giáo đã buộc phải thừa nhận một số vấn đề mà hiện thực đặt ra.
Vậy, nguyên nhân nào khiến cho xu hướng thế tục hóa của tôn giáo tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn hiện nay? Theo chúng tôi, xu hướng này gắn liền với một số nguyên nhân sau đây:
Một là, do mục tiêu của đạo đức tôn giáo là giải phóng chúng sinh. Dựa trên quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo và nghiên cứu thực tiễn sinh động của tình hình tôn giáo Việt Nam và thế giới, Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, đạo đức của tôn giáo có rất nhiều điều phù hợp với đạo đức của chủ nghĩa cộng sản và do đó, nếu có thể như vậy, thì C.Mác, Thích Ca Mâu Ni, Chúa Giêsu, Khổng Tử, Tôn Dật Tiên... có thể ngồi với nhau để thảo luận về sự nghiệp giải phóng chúng sinh.
Hai là, do sự phát triển nhanh chóng của xã hội công nghiệp và hiện đại. Trong xã hội công nghiệp và hiện đại, con người phải mải mê làm việc kiếm sống, nhưng họ vẫn muốn là tín đồ tôn giáo nên tôn giáo đã bãi bỏ dần những quy định ngặt nghèo của giáo hội nhằm tạo điều kiện cho giáo dân thỏa mãn được cả phần đời và phần đạo mà không cản trở lẫn nhau.
Ba là, do sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Sự phát triển nhanh chóng với những thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại và hiệu quả to lớn khi ứng dụng nó trong phát triển xã hội đã và đang được ngày càng nhiều tôn giáo tiếp thu và vận dụng để hiện đại hóa giáo lý của mình. Thực tế là, khi tiếp cận với sự phát triển hiện đại và văn minh, tôn giáo từ chỗ thừa nhận đã đi đến chỗ khai thông mối quan hệ với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại. Phần lớn tôn giáo ngày nay không bài xích lý tính, tin vào công năng tự nhiên của bản thân và vũ trụ.
Bốn là, do quần chúng giáo dân tham gia ngày càng có hiệu quả trong các phong trào xã hội hiện đại. Trong thế giới ngày nay, giáo dân và các tổ chức tôn giáo tham gia ngày càng tích cực vào các phong trào xã hội hiện đại trên phạm vi quốc gia và quốc tế (chống bóc lột, bất công trong xã hội, chống chủ nghĩa thực dân toàn cầu, chống tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, chống ô nhiễm môi trường và ủng hộ cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ vì các mục tiêu chung là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội). Những thành quả đạt được trong các phong trào xã hội hiện đại đã góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của giáo dân vào chính sức mạnh của họ trên trần thế và do vậy, tôn giáo không thể không phản ánh sức mạnh đó của họ vào tôn giáo mà họ đang là tín đồ của nó.
Điều quan trọng tiếp theo của chúng ta là phải đánh giá được những tác động tích cực và tiêu cực của xu hướng thế tục hóa tôn giáo đối với đời sống xã hội hiện nay.
Trước hết, xu hướng thế tục hóa tôn giáo đang gây ra tác động tích cực đối với tiến bộ xã hội theo hai khía cạnh chủ yếu sau:
Một là, niềm tin tôn giáo truyền thống bị phai nhạt và niềm tin vào khoa học và công nghệ tăng lên. Xu hướng thế tục hóa đang tăng lên đã làm cho một bộ phận giáo dân không còn tha thiết với lý tưởng sống đời giáo sĩ, tu trì để phục vụ mục đích tôn giáo. Trong điều kiện đó, giáo dân tham gia ngày càng tích cực vào việc vận dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào các chương trình cải tạo tự nhiên và xã hội với hiệu quả ngày càng cao nhằm thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội.
Hai là, niềm tin vào cuộc sống trần thế tăng lên đã thu hút sự tham gia ngày càng sáng tạo của giáo dân và giáo sĩ vào cuộc đấu tranh xã hội nhằm thỏa mãn những nhu cầu trần thế ngày càng cao của họ. Ở Việt Nam, truyền thống tôn giáo đồng hành cùng dân tộc đã được hình thành từ rất sớm, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong thế kỷ XX, phần lớn giáo sĩ và giáo dân đã tích cực tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện mục tiêu thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới hiện nay, giáo sĩ và giáo dân đã chủ động, sáng tạo xây dựng quê hương, đất nước của mình, góp phần to lớn vào việc làm nên những thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Đồng thời, xu hướng thế tục hóa tôn giáo cũng đang gây ra tác động tiêu cực đối với tiến bộ xã hội theo một số khía cạnh đáng lưu ý là:
Một là, một số lực lượng cực đoan trong tôn giáo, nhất là một số tôn giáo mới lạ đã hướng giáo dân vào những hoạt động phàm tục, thậm chí là những hoạt động chứa đựng những mối nguy hiểm tiềm tàng, như giáo phái “Cổng trời” (tự sát tập thể) ở California, Mỹ; giáo phái “Đền mặt trời”(tự thiêu) ở Thụy Sĩ; giáo phái “Thánh đường nhân dân” (tự sát tập thể), giáo phái “Aum” ở Nhật (đã thả chất độc Surin xuống ga tầu điện ngầm năm 1995). Ở Việt Nam, hiện tượng giáo sĩ và giáo dân “tự sát tập thể” cũng đã diễn ra ở Sơn La, tự thiêu ở thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đã gây bức xúc cho nhân dân và chính quyền các địa phương.
Hai là, thậm chí, một số tôn giáo đang “lắp ráp” vỏ khoa học vào giáo lý của mình để giải thích cái mà khoa học chưa giải thích được hoặc giải thích “bằng khoa học” những hiện tượng mang tính thần bí. Điều đó không khỏi gây ra sự ngộ nhận cho giáo dân trong nhận thức và do vậy, cả trong cải tạo tự nhiên và xã hội.
Ba là, một lực lượng cực đoan trong một vài tôn giáo đã gây ra những cuộc khủng bố đẫm máu nhằm vào dân thường, nhất là trong các nhóm cực đoan của Hồi giáo. Một số khác lại kích động quần chúng gây rối trật tự xã hội, đe dọa sự ổn định chính trị của quốc gia. Điều này, ở nước ta, trong những năm đổi mới có diễn biến rất phức tạp, như việc biểu tình đòi đất đai của một số giáo dân ở Huế, sự kiện “Đề ga tự trị” ở Tây Nguyên, vụ giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội,...
Trong điều kiện xu hướng thế tục hóa tôn giáo đang tăng lên nhanh chóng trên phạm vi quốc tế và ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần phải xác định rõ những vấn đề hiện đang đặt ra đối với công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta để có thể kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh một cách có hiệu quả nhất. Trước hết, có thể nêu ra một số vấn đề đáng quan tâm sau:
Một là, sự gia tăng nhu cầu tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của giáo sĩ và giáo dân hiện nay đang đòi hỏi Đảng và Nhà nước Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo và tiếp tục đổi mới công tác tôn giáo hiện nay để tạo cơ sở pháp lý và điều kiện vật chất, khuyến khích giáo dân làm giầu chính đáng, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào đời sống hàng ngày nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn và qua đó, tăng cường niềm tin khoa học vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Đặc biệt là, cần có chính sách và tạo điều kiện để thu hút giáo sĩ và giáo dân tham gia nghiên cứu khoa học ở các cấp và khuyến khích đưa các nội dung khoa học vào giáo lý của mình, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào tổ chức các hoạt động tôn giáo một cách sinh động hơn và có hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần đẩy nhanh xu hướng thế tục hóa tôn giáo ở nước ta và đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi.
Hai là, các thế lực đế quốc và phản động quốc tế đang ra sức tranh thủ sự gia tăng xu hướng thế tục hóa tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của Nhà nước ta với chiêu bài rêu rao về cái gọi là “tù nhân tôn giáo”, “vi phạm nhân quyền” đối với giáo dân và qua đó, kích động bạo loạn, gây chia rẽ trong khối đại đoàn kết dân tộc. Giải pháp cho vấn đề này là, trước mắt, chúng ta cần vạch trần âm mưu và đập tan mọi thủ đoạn của các thế lực hiếu chiến và phản động quốc tế nhằm lợi dụng tôn giáo chống phá công cuộc đổi mới ở nước ta.
Ba là, một số phần tử đội lốt tôn giáo ở nước ta hiện nay dựa vào những yêu cầu thế tục của giáo dân mà tiếp tục kích động giáo dân khiếu kiện tập thể, vi phạm pháp luật, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng tôn giáo và người không có tín ngưỡng tôn giáo nhằm tiếp tay cho các thế lực phản động quốc tế trong âm mưu và hành động đưa nước ta vào vùng ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản và đế quốc chủ nghĩa, nhằm xóa bỏ thành quả cách mạng. Để giải quyết vấn đề này, truớc hết, chúng ta cần tăng cường công tác vận động giáo dân và các nhà tu hành thực hiện chính sách và luật pháp của Đảng và Nhà nước ta nói chung, pháp luật về tôn giáo nói riêng; đồng thời, kiên quyết vạch trần thủ đoạn lừa gạt và xử lý nghiêm những hành động sai trái, vi phạm pháp luật của các phần tử đội lốt tôn giáo nhằm chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Việc giải quyết những vấn đề tôn giáo ở nước ta hiện nay đòi hỏi chúng ta phải quán triệt và hơn nữa, phải thực hiện tốt những nhiệm vụ của công tác tôn giáo như Hội nghị Trung ương 7 khóa IX đã nêu ra với việc phát huy tối đa tác động tích cực và hạn chế đến mức tối thiểu tác động tiêu cực của xu hướng thế tục hóa tôn giáo. q