Chi bộ Viện Triết học tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nguồn, tìm hiểu lịch sử, truyền thống tại tỉnh Tuyên Quang

26/02/2024

Ngày 25/2/2024, Chi bộ Viện Triết học đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề về nguồn, tìm hiểu lịch sử, truyền thống tại An toàn khu Trung ương (Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào) thuộc tỉnh Tuyên Quang cho các đảng viên trong Chi bộ. Tại đây, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương hoạt động cách mạng trong hai thời kỳ: tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp, với sự hướng dẫn và thuyết minh của nhân viên Khu di tích, Đoàn đã tham quan Cụm di tích Nà Nưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945; tham quan di tích đình Tân Trào, nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội, được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, diễn ra trong 2 ngày 16 - 17/8/1945; tham quan di tích cây đa Tân Trào, nơi cách đây gần 73 năm, vào chiều ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội.

Cũng trong buổi sinh hoạt chuyên đề về nguồn, đoàn đi thăm Nhà bia kỷ niệm nơi ra đời của Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học (Ban Sử - Địa - Văn), tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đoàn được nghe lược sử quá trình ra đời và phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Theo đó, Ban Sử - Địa - Văn (từ giữa năm 1954 gọi là Ban Văn - Sử - Địa) trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng được ra đời bằng Nghị quyết số 34/NQ/TW ngày 02/12/1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, lúc đầu gồm 06 thành viên, do đồng chí Trần Huy Liệu (sau là Giáo sư, Viện sĩ, Viện trưởng Viện Sử học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) làm Trưởng ban; Qua nhiều dấu mốc thay đổi và phát triển, đến năm 1967 trở thành Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (với 5 đơn vị trực thuộc là Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Kinh tế, Viện Triết học, Viện Luật học cùng Thư viện Khoa học xã hội, Văn phòng và Vụ Tổ chức cán bộ); Năm 1990 đổi tên là Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Năm 1993 là Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia; Năm 2004 trở lại tên Viện Khoa học xã hội Việt Nam và đến năm 2012, tại Nghị định số 109/2012/NĐ-CP được Chính phủ đổi tên thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Qua đây, các đảng viên, nhất là các đảng viên trẻ đã có thêm nhiều thông tin về Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ những ngày đầu thành lập đến nay.

Chuyến trở về nguồn không chỉ là một cơ hội để ôn lại truyền thống của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, mà còn là một cơ hội để các đảng viên Chi bộ Viện Triết học bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, yêu ngành và yêu nghề nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, từ đó tiếp tục nỗ lực và đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nói chung, lĩnh vực nghiên cứu triết học nói riêng.

 



Xem tin phát hành ngày:

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007