Sáng ngày 08/04/2024, tại trụ sở Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Lãnh đạo Viện và đại diện cán bộ chủ chốt của Viện Triết học đã tiếp Đoàn công tác của Quỹ Rosa - Luxemburg - Stiftung do bà Katja Kipping, Nguyên Chủ tịch Đảng cánh Tả, Nguyên Thượng nghị sĩ về hội nhập, lao động và xã hội Thượng viện Berlin (CHLB Đức) làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Viện Triết học.
Về phía Viện Triết học, có PGS. TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học; TS. Trần Tuấn Phong, Phó Viện trưởng Viện Triết học; PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Triết học và đại diện cán bộ chủ chốt của Viện Triết học.
Về phía Quỹ Rosa - Luxemburg - Stiftung, có Bà Katja Kipping, Nguyên Chủ tịch Đảng cánh Tả, Nguyên Thượng nghị sĩ về hội nhập, lao động và xã hội Thượng viện Berlin; bà Wenke Christoph, Nguyên Quốc vụ khanh về các vấn đề xã hội và hội nhập, cơ quan quản lý các vấn đề hội nhập, lao động và xã hội của Thượng viện Berlin, Nguyên Giám đốc vùng Rosa - Luxemburg - Stiftung khu vực Đông Nam Âu; ông Stefan Mentschel, Giám đốc vùng Rosa - Luxemburg - Stiftung khu vực Đông Nam Á; bà Nguyễn Hồng Nga, bà Dương Hương Giang, bà Nguyễn Thúy Hà quản lý dự án của Rosa - Luxemburg - Stiftung Đông Nam Á, văn phòng tại Hà Nội.
Tại buổi làm việc, PGS. TS. Nguyễn Tài Đông khẳng định Viện Triết học luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Quỹ Rosa Luxemburg, đồng thời đánh giá cao những kết quả mà hai bên đã đạt được trong thời gian qua. Đoàn công tác của Rosa - Luxemburg - Stiftung cũng bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời bày tỏ sự quan tâm đến những mục tiêu và định hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Với chủ đề trao đổi liên quan đến dân chủ cơ sở và sự tham gia của người dân trong một số lĩnh vực chính sách đặc thù, những vấn đề chính được thảo luận một cách khoa học giữa hai bên, thể hiện ở những khía cạnh:
1/ Thành tựu thực hiện dân chủ cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo với các trụ cột về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2/ Vấn đề thực hiện quyền làm chủ của người dân ở cấp cơ sở của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc hiện thực hóa các quyền dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng trong quá trình phát triển của Việt Nam.
3/ Vấn đề mối quan hệ giữa dân trí, văn hóa đối với dân chủ, trong đó nhấn mạnh chính sách của Nhà nước trong quá trình hiện thực hóa các quyền làm chủ của người dân,
4/ Vấn đề về quyền làm chủ của người dân, tập trung nhấn mạnh đến sự thay đổi cấu trúc trong đô thị Việt Nam hiện nay và sự phát triển của xu thế cộng đồng số thể hiện sự tham gia của người dân trong bối cảnh mới; vấn đề công bằng và sinh thái môi trường, quyền của nhóm yếu thế, sự tham gia của người dân vào các vấn đề chính trị - xã hội,…
5/ Kinh nghiệm của CHLB Đức về sự tham gia của người dân trong một số lĩnh vực chính sách đặc thù, việc thực hiện các quyền của người dân, đặc biệt nhấn mạnh các cách thức để thúc đẩy sự tham gia của người dân đô thị vào giải quyết các công việc của thành phố, của quốc gia. Sự khác biệt về việc thực hiện quyền làm chủ của người dân ở đô thị Việt Nam khác với Cộng hòa liên bang Đức, vai trò của hệ thống pháp lý trong quản lý đô thị sẽ tỷ lệ thuận với việc thực hiện dân chủ đô thị,…
6/ Các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của trưng cầu dân ý và đẩy mạnh việc người dân tham gia bầu cử trong bối cảnh mới ở Berlin (CHLB Đức) trước những tác động của sự phát triển của khoa học và công nghệ đối với quyền của người dân, với các nhóm cử tri cụ thể, nhóm nhỏ, nhóm dân tộc thiểu số. Sự minh bạch, trách nhiệm giải trình giữa các bên trong quá trình thực hiện quyền của người dân nhằm gia tăng sự tin tưởng của người dân vào chính quyền,…
Với các kết quả đã đạt được trong quá trình hợp tác giữa hai đơn vị trong thời gian vừa qua, PGS. TS. Nguyễn Tài Đông đề nghị trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, kiến nghị và tư vấn chính sách cho Việt Nam. Đoàn công tác của Quỹ Rosa - Luxemburg - Stiftung cũng khẳng định ủng hộ quan điểm hợp tác của Viện Triết học và nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với Viện Triết học tại Việt Nam.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc: