WINFRIED LOFFLER (*)
Trong bài viết này, tác giả trình bày những tư tưởng cơ bản của nhà triết học Áo Bernard Bolzano, đặc biệt là tư tưởng của ông về triết học phân tích tôn giáo hiện đại. Theo đó, tác giả đi sâu giải quyết 4 vấn đề chính: Một là, chứng minh Bolzano là người đi tiên phong trong lĩnh vực lôgíc học tôn giáo trên thế giới; hai là, thông qua lập luận của Bolzano về sự tồn tại của Chúa Trời bằng lôgíc, tác giả chứng minh sự khởi đầu từ tính ngẫu nhiên của vật tới sự tồn tại của Chúa với tư cách nguyên nhân của mọi sự vật; ba là, đi sâu giải quyết vấn đề mà Bolzano đưa ra phân tích mang tính xác suất của lập luận về độ tin cậy đối với các chứng cứ lịch sử; bốn là, thông qua một số bài thuyết giảng của Bolzano, tác giả chứng minh rằng, Bolzano là người đầu tiên đã dự báo sự ra đời của các tác phẩm về lý thuyết hành vi ngôn ngữ trước cả Austin và Searle tới hàng trăm năm.
1. Bernard Bolzano (1781 - 1848)
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn trình bày khái lược về tư tưởng của một trong những nhà triết học Áo kiệt xuất nhất nhưng vẫn ít được biết tới hiện nay: Bernard Bolzano (1781 - 1848). Trước khi bị sa thải không rõ nguyên nhân vào năm 1819/20 Bolzano là một mục sư và giáo sư Tôn giáo học tại đại học Prague từ năm 1805. Bolzano cũng là một nhà toán học thiên tài, ngày nay mọi học giả đều biết tới định lý của Bolzano và Weierstrass. Theo Micheal Dummett, tác giả của Nguồn gốc của triết học phân tích, Bernard Bolzano là ông tổ của triết học phân tích. Tác phẩm lớn đầu tiên phải kể đến đó là cuốn Luận thuyết về khoa học ông viết năm 1837 để đưa ra học thuyết hoàn chỉnh và hiện đại đầu tiên về lôgíc học, nhận thức luận và triết học khoa học. Tựa đề của tác phẩm này cũng tương tự như tác phẩm của Johann Gottlieb Fichte, nhưng tính chất của 2 tác phẩm này lại hoàn toàn khác nhau. Trong tác phẩm này, Bolzano dự đoán quá trình phát triển của ngữ nghĩa học hiện đại, lôgíc học, lý thuyết xác suất và một số ngành khoa học khác trong nhiều thập kỷ, thậm chí đến cả trăm năm, ví dụ, khái niệm lôgíc về tính xác suất của Carnap sau này đã được ông dự đoán từ 120 năm trước. Edmund Husserl là người đầu tiên khám phá ra giá trị tiềm ẩn trong các tác phẩm của Bolzano, nhưng quá trình phục hưng tư tưởng Bolzaro vẫn chưa hoàn tất. Một tuyển tập bao gồm tất cả các tác phẩm và bản thảo của Bolzano vẫn đang được biên tập, dự kiến khoảng 120 tập, hiện nay đã xuất bản được 70 tập.(*)
Liệu Bolzano có phải là người tiên phong trong triết học phân tích tôn giáo hiện đại? Chắc chắn Bolzano không có bất kỳ ảnh hưởng trực tiếp nào tới triết học phân tích tôn giáo hiện đại, và ông cũng không thiết lập bất kỳ “trường phái” nào trong lĩnh vực này, nhưng chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm của ông một số tư tưởng thực sự sáng giá về triết học phân tích tôn giáo, tất cả tư tưởng này đều ra đời trong khoảng năm 1810. Sau đây, tôi sẽ đề cập tới 4 tư tưởng đó:
Thứ nhất, Bolzano là người đi tiên phong trong lĩnh vực “lôgíc học tôn giáo”, ví dụ như sự phân loại cấu trúc, ý nghĩa và sự biện hộ cho các hệ thống niềm tin tôn giáo. 130 năm sau, Joseph Bochenski trong tác phẩm Lôgíc học của tôn giáo xuất bản năm 1965 đã đưa ra cách tiếp cận tương tự.
Thứ hai, Bolzano đã trình bày một bằng chứng tinh xảo về mặt lôgíc để chứng minh sự tồn tại của Chúa Trời. Bằng chứng này dựa vào phép chứng minh khởi đầu từ tính ngẫu nhiên của sự vật tới sự hiện hữu của Chúa với tư cách là nguyên nhân của mọi sự vật; xét một cách chi tiết thì các luận chứng này rất độc đáo và không giống với bất kỳ luận chứng nào được biết đến trước đó.
Thứ ba, Bolzano đưa ra sự phân tích mang tính xác suất của lập luận về độ tin cậy đối với các chứng cứ lịch sử. Điều này rất quan trọng đối với thần học Thiên chúa giáo, bởi Thiên chúa giáo là tôn giáo mặc khải: Nó tuyên bố sự quay trở về với các sự kiện lịch sử siêu nghiệm, vì vậy, sự hợp lý của Thiên chúa giáo có thể được giải thích thông qua các bằng chứng lịch sử xác thực về những sự kiện kể trên. Chủ đề về Bằng chứng cũng là một chủ đề lớn trong nhận thức luận đương thời, nhưng Bolzano và sau đó là Laplace, đã đưa ra một luận thuyết xác suất tinh tế về chủ đề này.
Thứ tư, trong một số bài thuyết pháp mà ông dạy cho các Kitô hữu vào các kỳ nghỉ và chủ nhật, ông cũng đã phân tích chi tiết những khía cạnh đa dạng của các hành vi ngôn ngữ, ví dụ như sự khác nhau giữa “nói dối” và “lừa đảo”. Trong các bài giảng này, Bolzano đã dự báo sự xuất hiện của những tác phẩm về lý thuyết hành vi ngôn ngữ trước cả Austin và Searle tới trăm năm.
Ba nguồn quan trọng nhất khi tìm hiểu triết học tôn giáo của Bolzano bao gồm: nguồn thứ nhất, toàn bộ tác phẩm 6 tập “Sách Giáo khoa về học thuyết tôn giáo” (Textbook on the Doctrine of Religion) viết năm 1834. Tác phẩm này dựa trên những ghi chép về bài giảng của ông và được các học trò xuất bản giấu tên ở Bavaria nhằm tránh những kiểm duyệt chính trị ở Habsburg, Áo. Mặc dù tựa đề tiếng Đức là như vậy, nhưng tác phẩm này lại không trình bày bất kỳ tư tưởng gì về nghiên cứu tôn giáo, thay vào đó, nó lại đưa ra lý thuyết hoàn chỉnh về triết học tôn giáo và thần học hệ thống. Nguồn thứ hai, một cuốn sách về sự bất tử của linh hồn, và thứ ba, hơn 500 bài giảng đạo của ông được xuất bản đầy đủ trong tập đầu tiên (thật may mắn là chúng ta có những bài giảng này). Thứ tư, tôi nên nhắc tới một số cuốn sách về ranh giới của thần học, nhưng tôi sẽ không nói nhiều về những cuốn sách này vì thời gian có hạn. Tóm lại, triết học tôn giáo là một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm của Bolzano, về số lượng mà nói, thì triết học tôn giáo là một trong những phần có dung lượng lớn, thậm chí là lớn nhất trong các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, nó vẫn bị đánh giá thấp và ít được biết tới. Phần chủ yếu nhất trong triết học Bolzano là chống chủ nghĩa Kant, định đề của ông về lĩnh vực của “các câu tự nó” (giống như các mệnh đề” của Frege hoặc “đối tượng” của Meinong), trong toán học là định lý Bolzano – Weierstrass và một cuốn sách về nghịch lý của tính vô hạn (paradoxes of infinity). Với tư cách là bài giới thiệu tư tưởng Bolzano, bao gồm cả triết học tôn giáo, tôi muốn giới thiệu một bài viết trực tuyến miễn phí về Bolzano trên website Standford Encyclopedia of Philosophy được Edgar Morscher, một trong những học giả nghiên cứu về Bolzano hàng đầu hiện nay viết. Phần lớn tác phẩm của Bolzano đã được dịch sang tiếng Anh, tuy nhiên những bản dịch này không bao gồm các trước tác về tôn giáo. Bởi phần lớn Bolzano vẫn được coi là nhà toán học, nhà lôgíc học và triết gia khoa học hơn là nhà thần học.
Sau khi trình bày về công trình nghiên cứu trong cuốn Sách giáo khoa của Bolzano ở phần 2 của bài viết này, tôi sẽ phân tích 3 điểm nổi bật và thú vị về triết học của Bolzano; và từ phần 3 đến phần 5: Định nghĩa về tôn giáo, một vấn đề được đặt ra, liệu Bolzano có hoàn toàn là người theo phái phi nhận thức luận (non-cognivitist) và liệu ông có bàn về dạng thức của sự tự lừa dối mình (self-deception) hay tự thuyết phục mình (self-persuasion) trong các chủ đề tôn giáo hay không?
2. Công trình nghiên cứu tổng quát của Bolzano trong cuốn Giáo khoa
Để hiểu về Bolzano, ta cần nhớ lại mô hình phân tầng truyền thống làm nền tảng cho thần học (đặc biệt là thần học Thiên Chúa giáo) từng xuất hiện trong lịch sử và vẫn tồn tại cho đến tận thế kỷ 20. Cấu trúc của thần học truyền thống giống như một tòa nhà 3 tầng. Tầng trệt là thần học triết học luôn cố gắng thể hiện sự tồn tại của Thiên Chúa và làm sáng tỏ một số đặc điểm của Thiên Chúa, ví dụ như Chúa vô hình, Chúa trường tồn vĩnh cửu (nhưng không bao gồm Thiên Chúa ba ngôi – đây là chủ đề của thần học). Tầng một là sự biện giải cho tôn giáo, hoặc thần học cơ sở (fundamental theology): Cố gắng chứng minh Chúa tự mặc khải qua một số biến cố đáng chú ý được viết trong kinh Cựu Ước và Tân Ước (các phép màu và lời tiên tri là những điểm mấu chốt). Ở tầng 2, giáo lý và thần học đạo đức hướng tới việc hệ thống hóa nội dung mặc khải của Thiên Chúa đối với con người. Ở đây cần chú ý tới một số chủ đề như Chúa ba ngôi, Chúa là đấng sáng tạo, hai bản chất của Jesus Christ, yêu cầu đạo đức của Thiên Chúa... Kích thước của các tầng này tượng trưng cho sự phong phú về nội dung của các chuyên ngành.
Giáo lý, thần học đạo đức, thần học hệ thống:
- Hệ thống hóa sự mặc khải của Chúa
- Vật tượng trưng, quá trình sáng thế, mệnh lệnh đạo đức, ...
|
Sự biện giải tôn giáo, thần học cơ sở:
- Chứng minh rằng Chúa tự biểu thị chính mình (phép màu và tiên tri).
|
Triết học
- Sự tồn tại của Thiên Chúa và những đặc điểm cốt lõi (thần học triết học).
|
Để hiểu được bối cảnh làm việc thời đó của Bolzano, cần phải nhớ rằng, triết học và thần học của thời Khai sáng phê phán mọi chuyên nghành có trong các tầng của toàn bộ tòa nhà trên: Đặc biệt là sự phê phán của I.Kant đối với những bằng chứng về sự tồn tại của Chúa. Nghiên cứu lịch sử và phê phán Kinh Thánh đặt câu hỏi không chỉ đối với tính lịch sử của các phép màu và lời tiên tri, mà còn về nội dung sự mặc khải của Thiên Chúa, ví dụ như: Về mặt lịch sử thì có những cái chưa rõ ràng về những gì Chúa Jesus và Thánh Tông đồ dạy các đệ tử, cũng như những gì là phần viết thêm vào có tính chất văn học. Dưới ảnh hưởng của những phê phán này, một số nhà thần học khai sáng thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng: Niềm tin Thiên Chúa nên được luận giải theo ý nghĩa phi nhận thức hoặc là thuần túy đạo đức; ví dụ như, Chúa ba ngôi không phải là một học thuyết nhận thức về những sự thật liên quan đến Chúa, mà là mệnh lệnh đạo đức tàng ẩn: Định hướng cuộc đời của bạn giống như ba nhân vị bên trong Chúa: Yêu thương người khác, nhưng duy trì khoảng cách để người đó có thể giữ được bản sắc của họ và để họ được là chính mình.
Trong cuốn Giáo khoa của mình, Bolzano phê phán toàn bộ cấu trúc 3 tầng của toà nhà thần học này: Ông cố gắng chứng minh Chúa tồn tại rằng, về tổng thể, sự mặc khải của lịch sử Thiên Chúa được mô tả trong Kinh Thánh là hoàn toàn tin tưởng được, và rằng, hạt nhân trong hệ thống các mệnh đề tôn giáo có thể được biện hộ một cách hợp lý, ít nhất là, nếu chúng ta tách biệt hạt nhân đích thực của các học thuyết từ lớp vỏ bọc ẩn dụ của chúng. Tất cả dường như giống với thần học truyền thống, nhưng nó không hoàn toàn theo tiêu chuẩn như chúng ta có thể thấy dưới đây.
3. Định nghĩa của Bolzano về tôn giáo
Tôn giáo là một hiện tượng phức tạp, bao gồm một nhóm xã hội với các cấu trúc, chức năng, nghi lễ, nơi thờ cúng, thời gian và các yêu cầu đạo đức, thái độ chung đối với cuộc sống. vv.. Nhưng nó cũng bao gồm các triết thuyết, hạt nhân nhận thức của các niềm tin xác thực được thể hiện trong các mệnh đề. Những người theo thuyết đa thần khác với những người theo thuyết hữu thần, ví dụ như, trong niềm tin của họ về việc có một hay nhiều thần thánh, hoặc là có một hay nhiều đối tượng siêu việt mang tính thần thánh.
Bolzano không nghi ngờ về những đặc tính khác của tôn giáo, nhưng trong định nghĩa về tôn giáo, ông đưa ra khái niệm về mệnh đề tôn giáo làm nền tảng cho học thuyết của mình. Tôn giáo trong mô hình của Bolzano là dạng thức gần giống với tổng số các mệnh đề. Điều này rất khác thường so với trong thần học ở thời đại ông, và từ đó, ông dự đoán bước ngoặt ngôn ngữ của triết học phân tích trước gần 100 năm. Bây giờ chúng ta sẽ khái quát sự phân biệt của ông giữa tôn giáo chủ quan và tôn giáo khách quan. Trong khi tôn giáo chủ quan là tổng số các mệnh đề tôn giáo được chấp nhận bởi một số người cụ thể, thì trong tôn giáo khách quan chúng ta có thể xem xét tổng số các mệnh đề mà không cần để ý đến việc ai tin vào các mệnh đề đó.
Tôn giáo (chủ quan) của một người là P =def tổng số các mệnh đề tôn giáo được chấp nhận bởi P.
Một tôn giáo (khách quan) =def tổng số các mệnh đề tôn giáo (sách Giáo khoa, I, tr. 20)
Dựa trên những định nghĩa này, Bolzano đề xuất một vài định nghĩa phát sinh trong các đoạn tiếp sau đây. Một “tôn giáo sống động” là một tôn giáo khách quan được chấp nhận bởi một nhóm người; một “tôn giáo chết” (giống như tôn giáo của người Hy Lạp và La Mã cổ đại) là một tôn giáo không còn đúng (đắn) nữa; một “tôn giáo khả năng hoặc tôn giáo tưởng tượng” là một tôn giáo khách quan, mà một vài người gộp các mệnh đề tôn giáo với nhau nhưng không có ai thực sự chấp nhận tất cả những mệnh đề đó. (Chúng ta có lẽ nên thêm vào, rằng, những nỗ lực để cải cách tôn giáo đôi khi cũng được khởi nguồn từ những tôn giáo tưởng tượng). “Tôn giáo của một xã hội”, theo Bolzano là tổng số các mệnh đề, mà tất cả mọi thành viên trong xã hội đó đều có thể chấp nhận nó. (Ở đây, chúng ta thấy rằng Bolzano có cách nhìn rõ ràng đối với thực tế xã hội học của sự lệch chuẩn về tôn giáo trong các nhóm).
Tất cả những định nghĩa này phần lớn đều dựa trên định nghĩa về mệnh đề tôn giáo, gọi tắt là “mệnh đề R”. Nhưng theo Bolzano, một mệnh đề R là gì? Ở trang 20, ông đưa ra 2 điều kiện cần thiết, một điều kiện về nhận thức và một điều kiện về đạo đức:
- Điều kiện nhận thức là: Với mệnh đề R, chúng ta có khuynh hướng tự nhiên chấp nhận hoặc bác bỏ nó, mà không cần nêu ra bất kỳ chứng cứ hoặc lý do nào. Trong một thuật ngữ dạng phản trực giác, Bolzano gọi những mệnh đề này là “các mệnh đề đạo đức”.
- Điều kiện đạo đức là: Sự chấp nhận hoặc bác bỏ một mệnh đề R làm thay đổi quan niệm của ta về hạnh phúc và đức hạnh. Bolzano gọi những mệnh đề này là “những mệnh đề quan trọng”.
Chúng ta có thể định nghĩa mệnh đề R là một mệnh đề gồm đầy đủ 2 điều kiện (a) và (b).
Trong ngôn ngữ của Bolzano:
Sách Giáo khoa, trang 20: [..] Vì thế tôn giáo theo tôi hiểu, là tổng số các niềm tin tôn giáo của một người, hay nói cách khác, tôn giáo của một người là tổng số các niềm tin của một người có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới đức hạnh hoặc hạnh phúc của anh ta, và đồng thời cũng có một cám dỗ đặc biệt/khuynh hướng để khẳng định một người thuận theo hay chống lại những niềm tin này mà không cần viện đến bất kỳ lý do nào.
[...] Từ ý nghĩa chủ quan đó của thuật ngữ (tôn giáo), chúng ta dễ dàng thấy được ý nghĩa khách quan của nó. Bởi vì, nếu chúng ta diễn đạt các mệnh đề tôn giáo với mục đích rằng, những mệnh đề này có thể là tôn giáo của một người, nhưng lại không giả định trước rằng, một vài người thực sự tin tưởng và chấp nhận những mệnh đề ấy: Do đó, chúng ta cần suy nghĩ về định nghĩa tôn giáo trong ý nghĩa khách quan của nó. [...] Tuy nhiên, trong cả 2 trường hợp, chúng ta đều sử dụng từ ngữ theo nghĩa rộng hơn so với nghĩa thông thường. Do đó, nếu tôi không nhầm, trong ý nghĩa sau, một người hiểu tôn giáo không là gì khác hơn là niềm tin vào Thiên Chúa và tổng số các niềm tin này của một người trong sự quy chiếu tới các mối quan hệ và trong bổn phận hướng tới Thiên Chúa của anh ta.
Do đó, mệnh đề R là mệnh đề mà (a) chúng ta có khuynh hướng tự nhiên chấp nhận, hoặc từ bỏ mà không cần nguyên nhân nào và rằng, (b) ảnh hưởng tới mức độ đức hạnh chúng ta – hay tóm lại, trong thuật ngữ lạ lùng của Bolzano, đó là “mệnh đề đạo đức quan trọng”. Vì Bolzano phát biểu, các mệnh đề tôn giáo đúng đắn sẽ nâng cao mức độ hạnh phúc và đức hạnh của chúng ta, trong khi các mệnh đề sai lầm gây giảm sút hạnh phúc và đức hạnh.
Tôi cũng bổ sung thêm hai nhận xét sau đây. Thứ nhất, do hệ quả thú vị của định nghĩa này, Bolzano đã tự lưu ý bản thân ông rằng, những người vô thần thường hay tin vào một số định đề tôn giáo (đây là một nhận định thú vị cho các cuộc tranh luận hiện nay - liệu là “thuyết vô thần mới” bản thân nó có những đặc trưng của tôn giáo hay không). Nói chung, các mệnh đề R không bị giới hạn trong các vấn đề tôn giáo theo nghĩa phổ quát.
Thứ hai, không loại trừ khả năng các mệnh đề R có thể được hậu thuẫn bởi các lý do khác nhau. Theo Bolzano, tôn giáo không phải là thứ mà anh phải tuân theo như một lựa chọn mù quáng. Nhìn lại công trình nghiên cứu của ông, ta có thể thấy rằng, bản thân ông cũng cung cấp các lý do cho các mệnh đề R, ví dụ như đặt ra một tranh luận mới về sự tồn tại của Chúa.
4. Bolzano – một nhà hư cấu tôn giáo hay là nhà phi nhận thức luận
Phần này lại đưa tới cho tôi một câu hỏi khác: Liệu các tác phẩm sau này của Bolzano được sử dụng để nghiên cứu có giúp chúng ta biết được – Bolzano là một nhà hư cấu tôn giáo hay một nhà phi nhận thức luận? Liệu ông có biện luận cho sự diễn giải đạo đức của các mệnh đề R theo phong cách của thần học khai sáng hay không?
Ta thấy, theo Bolzano, tất cả các mệnh đề tôn giáo đều phải có giá trị đạo đức (điều kiện đạo đức và khái niệm “mệnh đề quan trọng”) và điều kiện nhận thức tương ứng, để biết được ta có xu hướng chấp nhận mệnh đề R mà không cần đầy đủ lý do hoặc minh chứng. Tất cả điều này dường như hướng tới một sự diễn dịch có tính phi/phản nhận thức luận đạo đức tôn giáo trong quan niệm của một số người luận giải triết học Bolzano thời kỳ đầu như Eduard Winter (người tiên phong vĩ đại nhất trong nghiên cứu về Bolzano thời kỳ giữa thế kỷ 20).
Nhưng do tôi đã lưu ý trước đó, điều kiện nhận thức không đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ bằng chứng, nguyên nhân hoặc lý lẽ phù hợp nào về các mệnh đề R. Điều kiện nhận thức chỉ cho biết, chúng ta có xu hướng chấp nhận các mệnh đề R, thậm chí không cần có các lý do. Bản thân Bolzano cũng dành nhiều công sức để đưa ra các lập luận này. Bằng chứng của ông về sự tồn tại của Thiên Chúa trong sách Giáo khoa như là nỗ lực nhằm cung cấp lý do cho các mệnh đề R. Niềm hứng thú của ông đối với bản thể học Thiên Chúa và các linh hồn bất tử trong cuốn sách về sự bất tử là một gợi ý rõ ràng khác dựa trên hướng nghiên cứu này.
Tôi cho rằng, trong thực tế, Bolzano tin vào bản chất “hai mặt” thực tiễn – lý thuyết của các mệnh đề R là hạt nhân trong các quan niệm thần học truyền thống. Trong thần học Trung cổ, một trong những chủ đề cơ bản ở phần mở đầu của các sách giáo khoa thần học là Utrum theologia sit scientia speculativa aut practica?, nghĩa là, “thần học là khoa học thiên về lý thuyết hay là thiên về thực tiễn?” và phần lớn các tác giả Trung cổ cũng nhấn mạnh vị thế hai mặt của thần học: Các học thuyết thần học có mặt thực tế cũng như lý thuyết, và tin rằng, nó có thể tác động tới đời sống chúng ta và cuối cùng, hướng ta tới sự cứu rỗi linh hồn. Tóm lại, Bolzano cố gắng tạo lập vị thế cân bằng và không phân loại một cách đơn giản như các nhà thần học chính thống thời Khai sáng.
7. Sự tự lừa dối/thuyết phục mình hướng tới tôn giáo?
Bolzano có một số đoạn trích ở tập 17 và 18, đặc biệt gây tranh cãi và dường như có xu thế hướng tới chủ nghĩa tiểu thuyết tôn giáo. Theo lời của ông:
§ 17. Đôi khi chúng ta mong muốn có được những niềm tin xác tín [...].
§ 18. [...] Tôi cũng cho rằng tác động của ý chí con người tới sự xuất hiện của niềm tin là rất sâu rộng (nếu chúng ta muốn), thậm chí ta có thể thường xuyên lừa dối (hay như mọi người thường nói) để thuyết phục chính bản thân ta, ví dụ rằng, ta thường cố tình hành xử theo cách mà niềm tin ban đầu được cân nhắc là sai hay ít nhất ta thường gây nên sự không chắc chắn. Điều này hình thành do con người chúng ta có thể:
- [...] Định hình ước muốn mà thực sự ta tin tưởng và do đó, những mong muốn này gây nên tác động có thể dự đoán được lên niềm tin của ta. Ta cũng có thể:
- Cố gắng tạo dựng niềm tin trong chính bản thân ta, ta có thể cố tình định hướng sự chú ý của mình tới tất cả sự thật, hoặc chỉ những lý do phù hợp với niềm tin đó, ta có thể cố tình rời sự chú ý khỏi tất cả những gì chống lại niềm tin đó; ta có thể gắn bó với những người cũng có cùng niềm tin đó, ta có thể đọc những cuốn sách biện hộ cho các niềm tin. Tất cả những điều này có nghĩa là, cuối cùng:
- Thực sự gắn kết niềm tin này với mức độ tin cậy nhiều hay ít.
Điều này có thực sự là dạng thức của chủ nghĩa hư cấu hay chủ nghĩa thực dụng không? Tôi không cho là vậy. Nếu đọc cuốn Giáo khoa thì chúng ta thấy, Bolzano không hề gợi ý (a) một luận thuyết duy ý chí tẻ nhạt trong nhận thức (mà việc đưa ra quyết định đơn giản để tin vào một thứ gì đó, chỉ giống như bật công tắc trong tâm thức anh, điều gần như là bất khả thi trên thực tế) hay ông đề xuất (b) một niềm tin không cần bằng chứng.
Những gì Bolzano đề xuất trong cuốn sách này cũng tương tự như những điều Blaise Pascal gợi ý như là một chiến lược thuần lý (a rational strategy) trong lập luận nổi tiếng “Pascal’s Wager”: Theo lý lẽ cuộc đời (lẽ thường) bạn nên hành động như thể Thiên Chúa tồn tại và bạn dường như đã là một tín đồ tôn giáo (cầu nguyện, uống “nước thánh”...) và điều này dần dần thực sự sẽ trở thành niềm tin trong con người bạn. Không giống Ludwig Wittgenstein, Pascal đề xuất kiểu “đào tạo” hướng tới “một phương thức sống” bao gồm quá trình thay đổi dần dần trong tâm tưởng bạn.
Quay trở lại Bolzano, ông dường như đề xuất một biến thể nhận thức luận của lý thuyết này: Chúng ta có thể chọn lại những “đầu vào nhận thức” (epistemic inputs) đủ loại, ví dụ như, bằng cách lựa chọn lý luận và vấn đề mà chúng ta muốn giải quyết. Theo Bolzano, đấy là một ví dụ khôn ngoan để không phải giải quyết quá nhiều vấn đề lý thuyết theo cách của Nietzsche, Marx, Sartre, Dawkins, và một số nhà phê bình tôn giáo khác, nếu họ muốn trở thành hoặc tiếp tục là người theo tôn giáo.
Một câu hỏi được đặt ra, trong điều kiện nào thì là hợp lý để bắt đầu quá trình tự giáo dục theo mô hình của Pascal và Bolzano, ví dụ như, để đào tạo bạn hướng theo một tôn giáo nhất định nào đấy. Tất nhiên, chỉ trong điều kiện là, tôn giáo đó ngay từ đầu cũng phải hấp dẫn trên phương diện lý thuyết, ví dụ như, có nhiều lý lẽ thần học đúng đắn và chân xác. Và ở đây, chúng ta quay trở lại các luận điểm thần học của Bolzano – ông là một triết gia duy lý hơn Pascal. Và trong quá trình diễn dịch, sự tự thuyết phục bản thân hướng tới niềm tin của ông đã mất đi nhiều phong thái sắc sảo.
Tôi rất tiếc là, tôi đã bỏ qua một vài “viên kim cương” khác trong triết học tôn giáo của Bolzano, ví dụ như, sự phê phán xác suất của ông về dữ kiện lịch sử hay sự phân tích đạo đức tuyệt vời về khẩu hiệu “nếu tự tôi không lao vào tham nhũng, thì một vài người sẽ lao vào, vì thế tôi có thể sẽ tham nhũng”, được ông phát biểu qua một vài thuyết giáo trong Phúc âm về thánh Luke (Gospel of Luke). Nhưng tôi hy vọng là, ít nhất tôi cũng đã thành công trong việc khơi dậy sự tò mò của quý vị về một triết gia kiệt xuất, mà những tác phẩm của ông vẫn ẩn chứa rất nhiều điều thú vị cần được khám phá. q
(*) Giáo sư, tiến sĩ, Đại học Innsbruck, Cộng hòa Áo.